Mai Thanh Hải

"Tin thì tin. Không tin thì thôi!"..

Archive for Tháng Mười Một, 2011

VŨNG TÀU: CA NGỢI ĐẢNG, PHẢI ĐƯA VÀO… DI TÍCH.

Posted by Mai Thanh Hải trên 30/11/2011

Mai Thanh Hải – Do cái tính tò mò cố hữu, nên đến đâu mình cũng lọ mọ, để đỡ phí cái công sức được mò đến vùng đất – địa danh đấy.

Bạch Dinh (TP.Vũng Tàu) thì mình chả lạ. Cứ theo Bãi Trước về phía núi Lớn, là nhìn thấy ngay dinh thự trắng, ngói đỏ trên sườn núi xanh.

Vũng Tàu nói vậy nhưng bé tý xíu, quanh đi quẩn lại, chỉ có tắm biển, đi lượn và… ăn nhậu. Tắm biển thì mình lười. Lượn thì mãi cũng mỏi chân.

Còn cái khoản thích nhất là ăn nhậu, thì riêng đến Vũng Tàu mình cạch, chả dám léng phéng “tìm hiểu đặc trưng ẩm thực”, bởi đất này đã – đang nổi tiếng… “máy chém”, hơn cả Sầm Sơn, Hạ Long ngòai Bắc, đến nỗi UBND tỉnh phải họp đến ong đầu, ra cả tập công văn chỉ đạo, chỉ để dẹp mấy quán ăn chặt chém, đếm trên đầu ngón tay, chuyên đầu têu cho bà con “thi đua chặt chém khách du lịch”, mà tình hình cũng chửa đâu vào đâu.

Hôm rồi vào Vũng Tàu, cái loại lọ mọ như mình cũng… dính chưởng và phải cầu cứu đến Minh Tuấn và Đông Hà, 2 bạn hữu thường trú Báo Nhân dân và Tuổi trẻ TP ở Vũng Tàu, chở đi tìm chỗ ăn nhậu.

Ngồi bàn chuyện “chặt chém”, 2 tay ma xó bạn mình, vốn người Hà Nội và Quảng Trị xịn, cười lăn bảo: “Bác không biết là ngày xưa đất này mang tên Côn Đảo Vũng Tàu à?. Bây giờ là Con Dao Vũng Tàu, cũng có gì lạ?”.

Ối giời!. Nếu có “truyền thống” vậy, thì xin lạy. Đã thế, cứ đến bữa ăn là mình ới 2 lão bạn, còn ngoài… giờ ăn, mình lang thang đi chơi bời, tìm hiểu, ngắm cảnh cho nó… nhã. Và Bạch Dinh là địa chỉ mình tìm đến.

Theo thông tin trên… mạng (Phải khẳng định vậy vì cả di tích rộng lớn, chỉ có duy nhất 1 tảng đá ghi vắn tắt, giới thiệu về Bạch Dinh, chừng khoảng 200 chữ): Trước khi có Bạch Dinh, nơi đây là pháo đài thành Phước Thắng (năm Minh Mạng thứ 20 nhà Nguyễn). Pháo đài này đã nổ phát súng đầu tiên (10/2/1859) vào hạm đội Pháp khi chúng tấn công Sài Gòn – Gia Định (bằng đường biển), cản trở bước tiến của quân Pháp trong 1 ngày đêm.

Sau khi bình định xong xứ Nam Kỳ, viên Toàn quyền Đông Dương người Pháp Paul Doumer đã lệnh san bằng pháo đài thành Phước Thắng (1898), để xây biệt thự cho mình và đặt tên là Villa Blanche (nghĩa Hán Việt là Bạch Dinh). Để xây dựng Bạch Dinh, 800 người tù khổ sai đã phải lao động trong 10 năm trời. Từng tấc đất, viên đá, ngọn cây ở đây đều thấm mồ hôi, nước mắt và máu người tù.
Sau này Bạch Dinh thuộc sự cai quản của Công sứ Nam Kỳ người Pháp. Đặc biệt từ ngày 12/9/1907 tới năm 1916, Bạch Dinh là nơi người Pháp dùng để giam lỏng vua Thành Thái (một vị vua yêu nước có tư tưởng chống Pháp). Từ năm 1926, Bạch Dinh là nơi vua Bảo Đại thường ghé nghỉ mát cùng với gia quyến của mình và trước 1975, là nơi nghỉ mát của Tổng thống chế độ cũ.

Bạch Dinh mang phong cách kiến trúc Châu Âu cuối Thế kỷ 19. Mặt ngoài được trang trí những đường hoa văn cổ xưa, cùng với những hình vẽ và những bức tượng thể hiện chân dung của các Thánh thời Cổ Hi Lạp. Toà nhà cao 19m, dài 25m, rộng 8m, gồm 3 tầng.
Ngôi nhà được quét vôi trắng, lợp ngói đỏ, phía dưới là mảng viền trang trí tinh tế và mỹ thuật.
Sứ men màu là nguyên liệu chính để trang trí, tạo hình ảnh: Đôi chim công màu xanh ngọc, điểm xuyết những chấm bạc lấp lánh đang xoè cánh múa; đôi cá chép uốn lượn; hoa Cúc, Hướng Dương viền từng mảng quanh ngôi nhà…

Gây ấn tượng đặc biệt là 8 bức tượng bán thân mang phong cách nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, bao quanh 3 mặt tường chính của ngôi nhà. Các bức tượng là những bức tượng chân dung về một số vị danh nhân trong lịch sử Châu Âu.
Khuôn viên Bạch Dinh rộng chừng 6 ha, một nửa là rừng Giá tỵ (còn gọi là cây Báng súng). Nửa kia trồng bông sứ. Rừng Bạch Dinh là một góc thanh bình và nên thơ của Vũng Tàu…”. 

Thế nhưng “nói zậy hổng phải zậy”, vào Bạch Dinh, mình hơi ngạc nhiên khi thấy trong Khu di tích hơi bị nhiều quán cà phê, đầy ắp mùi tiền trong việc cho thuê, từ lề đường vào sân di tích.

Ngạc nhiên biến thành… sửng sốt, khi vào trong Khu chính, thấy 1 bảng ảnh to đùng dài thườn thượt, tô chữ dán ảnh trên nền đỏ chót, toàn những nội dung tuyên truyền về các thời kỳ hoạt động của Đảng, các lãnh đạo và… “thành tựu hôm nay” của không chỉ “Con Dao Vũng Tàu” mà ra tận Hà Nội.

Mình hơi bị lạ về cách tuyên truyền này. Di tích lịch sử – văn hóa chứ đâu phải di tích cách mạng mà làm vậy?.

Giá như thay tấm bảng đỏ chót, chi chít hình ảnh này bằng tấm bảng giới thiệu lịch sử di tích (như mình đã tra trên mạng và viết lại ở trên), cùng bản đồ giống như liên kết các di tích khác trong thành phố, nghe ra còn có tính… văn hóa.

Mình đã tự hỏi và tự tìm câu trả lời bằng cách đứng ở đó theo dõi, kết quả: Khách Việt Nam (khách Châu Á, nhất là Trung Quốc), nhìn thấy là đi nhanh qua, không 1 bước dừng lại; khách các Châu lục khác (nhất là Châu Âu), nếu đi theo kiểu “bụi” thì hùng hục tra sách cẩm nang du lịch, gãi đầu dựng hết cả tóc, để xem “cái đó viết cái gì”, không có câu trả lời, lần khân đi hỏi và khi nhận được câu trả lời, đều lắc đầu, đi thẳng; khách Châu Âu đi theo đoàn, các phiên dịch – Hướng dẫn viên bỏ qua tấm bảng, nhưng phần lớn bị níu áo lại, chỉ tay “Đây là cái gì?”. Khi được giải thích, các khách đều “Ôi Giời!”, lắc đầu quầy quậy và… lại đi thẳng.

Mình lân la hỏi, mấy cô cậu hướng vẫn, mặt đỏ bừng: “Ai cũng bảo: Di tích văn hóa, đừng làm mất đi sự văn hóa” và lắc đầu: “Thiếu gì cách mà phải đưa vào… di tích?”.

Mình đưa hình lên cho mọi người cùng ngắm vậy, để mọi người biết thêm một nét “đặc sắc mới” nữa, (ngoài “chặt chém”) của ngành Du lịch TP. Vũng Tàu. Hi! Hi!..
——————————————————————————————————

Thần công 1 bên…

Rất đỏ chót và rất rực rỡ

Rất nhiều hình ảnh minh họa

Hoa sứ cũng… ngả đầu kính chào

Duy nhất 1 tấm bia bé tý, giới thiệu về Bạch Dinh

Từ Bạch Dinh, nhìn thẳng ra Biển Đông
Khách nước ngoài đến thăm Bạch Dinh rất đông

Kiến trúc cổ

Nhà cổ

và ngoảnh mặt ra về, không chịu đọc – xem bảng ảnh tuyên truyền

Câu đúc kết biến thành khẩu hiệu, oách thế này sao chẳng ai xem?..

Biến thành nơi… đỗ xe chờ khách

Làm vầy, ai đọc đây? Liệu có phí công tuyên truyền không?..

Posted in HÌNH ẢNH, THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ, VĂN HÓA - XÃ HỘI | Leave a Comment »

"PHỤ TÙNG XÍCH LÍP"…

Posted by Mai Thanh Hải trên 30/11/2011

Đến bây giờ, mình vẫn sợ sợ khi nhớ lại những năm 1989-1990 – thời điểm mà sách báo chính thống gọi là “từ bỏ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường”. “Cấp” với lại “tế” thế nào, thì cái đầu dân đen toàn u mê câu chữ, lãng đãng muốn đi chơi của mình chả cắt nghĩa nổi, chỉ biết đói vàng mắt và cái gì cũng không có (chứ có đâu mà thiếu?). Giai đoạn “chuyển – bỏ” ban đầu, hình như cũng dài và đang lẫm chẫm lắm, nên cả nước lại càng vất vả. Với thanh niên mới lớn tụi mình, hồi ấy, sau đói ăn, thiếu mặc là nỗi khổ “phụ tùng – phụ kiện”. Hi! Hi! Kể lại xấu hổ chết, nhưng sự thật là đi học, thằng nào thuộc dạng nhà giàu, cũng chỉ có tối đa 2 cái quần đùi lụa xanh đỏ (ngày ấy gọi là quần đùi Thái) có chun, còn lại chỉ có quần cộc dải rút bộ đội, hay cũng dải rút, bố truyền lại – mẹ tận dụng từ vải thừa, áo cũ diềm bâu may cho. Riêng cái thứ văn minh gọi là SIP bây giờ á, có nằm mơ cũng không thấy (Lại phải Hi! Hi! phát nữa cho… đỡ ngượng), nên có những chuyện kể ra, đúng là “dở khóc, dở cười”. Đàn ông con trai là vậy, đàn bà con gái chắc còn khổ hơn, khi không có “phụ tùng xích líp” hoặc có nhưng phải dùng theo kiểu… tra tấn. Bác nào là nữ, biết chuyện này kể cho anh em chia sẻ với, chứ mình thì chỉ… đoán vậy thôi. Hi! Hi! (lại nữa). Thế nên, hồi đầu lên Hà Nội học Đại học, mình đã ríu hết cả chân khi thằng Thắng vẹo (nhà ở Phó Đức Chính), Sơn khỉ (nhà đầu cầu Chương Dương), chở xe đạp cho bọn mình vào “giải ngố nội thành Hà Nội”, đi qua đoạn Hàng Bông, thấy mấy cửa hàng bán… “phụ tùng xích líp”. Ối giời! Đấy phải gọi là… cánh bướm, hơn hẳn loại… cánh cam mà cô – chị ở quê hay vắt lủng lẳng đầu sào và treo thành dây… nghiêm trang, cá tính trong doanh trại Đại đội nữ Thông tin 603 bên cạnh nhà mình. Bây giờ lớn, mình vỡ vạc ra 1 điều: Thay đổi 1 cơ chế, đừng có nói những điều to tát, cao siêu mà hãy chú ý đến việc giải phóng con người ta khỏi sự khô cứng, ép nén. Và nữa, cái sự “thay đổi cơ chế” trực tiếp, từ “cánh cam” sang “cánh bướm”cho chị em (và cả phụ tùng… chữa ngượng cho anh em) hồi ấy, không phải Hệ thống Mậu dịch Quốc doanh, không phải Chỉ thị – Nghị quyết, mà do chính những người buôn bán nhỏ (hồi ấy gọi là Tư thương) thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời và dĩ nhiên, chả phải mang… tính Đảng. Trên đời, nhiều việc tuy nhỏ, nhưng hiệu quả còn hơn những rất việc lớn, nhưng chỉ hô to. Hôm nay, xem tấm hình chụp gian hàng bán “phụ tùng xích líp” của chị em, do phóng viên nước ngoài chụp, tại Hàng Bông, Hà Nội năm 1990, mình lại lẩn mẩn mấy chuyện linh tinh lang tang thế chứ. Có lẽ mấy hôm nay giời u ám, bất thường theo kiểu “nói zậy nhưng hổng phải zậy”. Thôi! Phải làm cốc cà phê, giống Bọ Vinh thôi!. He! He! (Nguồn hình: Corbisimages.com)

Posted in HÌNH ẢNH, LINH TINH LANG TANG, QUÂN SỰ-QP | Leave a Comment »

Ở BỘ ĐỘI, PHẢI BIẾT… "BA KHÔNG"!.

Posted by Mai Thanh Hải trên 30/11/2011

Mai Tiến Nghị – Vừa bước vào 18 tuổi tây, mình đã đi bộ đội. Khí thế hừng hực “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” thôi thúc. Nhưng mình vào bộ đội còn một lý do nữa: Để được ăn no. 

Ở nhà bữa ăn bữa nhịn, đói vàng mắt. Đi học Sư phạm ngày được 5 lạng gạo, vẫn đói. Vào bộ đội chắc là được ăn no, vì tiêu chuẩn 7 lạng gạo một ngày. Vậy là mình đi. Đợt ấy, nhà trường tổ chức tiễn đưa “8 sinh viên ưu tú lên đường đánh Mỹ” hoành tráng lắm.

Nhưng đến chỗ giao quân thì có 6 “sinh viên ưu tú” với lý do hắc lào, mắt kém, tổ đỉa, ếc- si- ma…(bởi nhựa xương rồng), nên lại được quay về Trường, tiếp tục học tập. Còn lại hai thằng là Biểu (quê Ý Yên) và mình, “ra đi đầu không ngoảnh lại”.

Thằng Biểu này nghịch lắm, hắn chả ngồi yên lúc nào. Hắn có cái đồng hồ Ni-cờ- le (vừa nghe vừa lắc) từ thời Pháp, chạy tậm tà tậm tịt.

Thỉnh thoảng, thấy hắn ta lại mở nắp, gạt gạt xoáy xoáy, vẫn tậm tịt. Một lần, hắn điên tiết tháo tung ra. Khi lắp, lại thấy thừa ra một cái bánh xe, đồng hồ vẫn chạy, được gần một ngày rồi… chết ngóm.

Lúc ấy cân cả quần áo mới được 41 ki lô, nên mình và Biểu được biên chế về Tiểu đoàn 663 (Tiểu đoàn lính “thấp bé nhẹ cân” của Trung đoàn 19).

Tập trung vỗ cho lớn, để ra chiến trường: Ngày 3 bữa cơm độn bột mỳ Liên xô; sáng ra, ngoài một cái bánh mỳ luộc to bằng cái… chén uống nước, còn được thêm một cốc sữa… nhạt như nước gạo và 2 viên pô-li vi-ta-min.

Nhưng vẫn đói.

Những thằng lính choai đang tuổi ăn tuổi lớn nên lúc nào cũng thèm ăn.

Biểu ở Trung đội 2, mình ở Trung đội 3, nhưng hai thằng thường trùng phiên gác.

Hắn gác đầu xóm, mình cuối xóm.

Một lần, vào đêm khuya, vừa buồn ngủ vừa đói thì Biểu ta đến chỗ mình gác, chìa cho hai cái mỳ luộc. Chao ơi, ngon ơi là ngon!..

Và sau đó thì bận gác nào cũng vậy. Mình hỏi mì ở đâu, hắn lắc đầu bí mật: “Thực hiện Ba không: Không biết, không nghe, không nói!“.

Một đêm, đứng gác ở cuối xóm, đang băn khoăn: “Không biết hôm nay thằng Biểu có gác không, mà bây giờ không thấy có mỳ luộc?”. Chợt nghe báo động toàn đơn vị: “Đồng chí Hạ quản lý bị… ám sát, may mà chưa việc gì, vì có tinh thần đề cao cảnh giác”.

Ban Chỉ huy gọi 3 thằng gác là mình, Biểu và một thằng nữa lên làm kiểm điểm.

Cả ba thằng đều Ba không: “Không nghe, không thấy, không biết”.

Ban Chỉ huy tra hỏi một hồi, áng chừng các Thủ trưởng cũng buồn ngủ nên đành thả cho về.

Sáng hôm sau nghe Biểu kể, mình mới biết được sự việc. Thì ra, mấy lần có mì ăn đêm là do thằng này lấy trộm mì luộc, ở nhà bếp Đại đội. Hắn lấy bằng cách giương lê 4 cạnh của khẩu AK, xỉa vào cái rổ mỳ luộc dành cho lính ăn sáng. Cái rổ ấy để gần cửa sổ. Thằng cha Hạ quản lý nằm tít ở góc trong nhà kho, ngủ ngáy khò khò!. Hớ hênh thế!..

Biểu ta chỉ lấy có 4 cái đủ cho hai thằng, vì số bánh nặn ra bao giờ cũng dôi hơn số quân. Mà 3 ngày mới có một phiên gác, nên tay Hạ không biết là mất.

Đêm hôm ấy giời nóng quá, Hạ đưa rổ mỳ luộc vào góc trong, bê chõng ra gần cửa sổ rồi vạch bụng nằm cho mát. Biểu dòm vào: Nhà kho tối mò, ngay chỗ cửa sổ lại thấy trắng nhờ nhờ. Rổ mì luộc đây rồi!…

Vậy là hắn nín thở giương lê và… xiên!. Lạy giời!.. Hạ đang mơ màng, thì thấy lê nhọn kề bụng, vội nắm lấy rồi gào toáng lên.

Nhầm rồi! Là cái bụng thằng Hạ, đếch phải bánh mì luộc… Biểu hoảng quá, giật súng chạy biến về vị trí đứng gác.

Rồi không thấy các Thủ trưởng Đại đội nói gì nữa. Nhưng tay Hạ từ đấy trở đi cạch không dám nằm cạnh cửa sổ.

Tưởng rằng Biểu chờn, nhưng chỉ tuần sau hắn ta lại có mỳ luộc đưa cho mình…

Hôm bọn mình chia tay các Thủ trưởng để đi B, Đại đội trưởng bảo: “Tao lạ đếch gì, mấy thằng đói quá rồi ăn trộm mì. May mà lê AK là lê 4 cạnh, đầu không nhọn lắm, nên thằng Hạ không việc gì. Nó mà thủng bụng thì chúng mày đi tù!”. Thì ra, các Thủ trưởng biết hết, nhưng thương lính đói nên không nỡ kỷ luật, thậm chí còn lờ chuyện cho bọn mình.

Vào chiến trường thì mỗi thằng một nơi. Biểu về Tiểu đoàn bộ binh, còn mình vào Đại đội cối 82.

Cuối năm 1973, có lần Đại đội mình phối thuộc với Tiểu đoàn của hắn đánh Gò Rùa thì gặp Biểu.

Hắn mừng húm vồ lấy mình: “Tao để dành cho mày. Mấy bận định đưa cho, mà bây giờ mới gặp!” và hắn đưa cho mình, một cái cuốc Mỹ chiến lợi phẩm.

Ngày ấy, có cái cuốc Mỹ còn quý hơn đồng hồ Selko Nhật, quý hơn vàng, vì là cái công cụ đào hầm, để giữ gáo. Cuốc Mỹ tốt lắm, đào hầm gặp đá chém phăng phăng.

Quý bạn hơn thân mình, thì mới tặng cái cuốc Mỹ.

Mình ngần ngại không dám lấy: “Mày đưa tao thì lấy gì mà dùng?”.

Biểu cười hề hề: “Tao sẽ kiếm cái khác!”.

Mấy tháng sau thì biết tin Biểu hy sinh…

Nhờ cái cuốc Mỹ của Biểu cho, mà hôm nay, mình mới được ngồi viết chuyện này.

Còn 6 “sinh viên ưu tú” ngày ấy được trở về tiếp tục học tập thì bây giờ quyền cao chức trọng cả.

Có một tay ở Sở về kiểm tra nhà trường mình, béo tốt oai vệ và đạo mạo lắm…

Nghe hắn hùng hồn huấn thị về đạo đức nghề nghiệp, tự dưng mình chợt nghĩ về cái cây xương rồng bị chém ròng ròng chảy nhựa.

Mà sao cái giống cây nhựa độc ấy, lâu nay ít thấy?…

Hắn không nhận ra mình. Phải thôi. Gần bốn chục năm rồi!..

Lại nhớ Biểu!. Biểu ơi!..
————————–
* Hình ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

Posted in LINH TINH LANG TANG, QUÂN SỰ-QP | Leave a Comment »

TĂNG ƠI! VOI BẢO TĂNG NÀY!…

Posted by Mai Thanh Hải trên 29/11/2011

Bức hình này được corbis chú thích là chụp năm 1985, ven QL1A, đoạn qua tỉnh Quảng Trị. Nhìn vào bức hình, mình cũng thấy quen quen với phía bên kia đường là đoạn đường sắt dưới chân dải đất cao cao. Thế nhưng mình cũng băn khoăn là người chụp hình liệu có nhầm hay không, bởi đoạn QL1 đi qua Quảng Trị (thậm chí cả QL9 từ Đông Hà lên Khe Sanh), hình như chẳng có phía bên đường nào cao vậy. Đặc biệt, nếu trên địa bàn Quảng Trị, thì cả đống sắt ngời ngời này, bị cưa từ ngay sau chiến tranh, chứ không ở được đấy suốt chục năm. Bởi ai cũng biết, Quảng Trị là “đầu tàu” trong việc kiếm sắt vụn, từ dây thép gai đến vỏ đạn và thậm chí cả bom, cũng bị cưa xoèn xoẹt như gỗ, để lấy thuốc bán cho người phá đá, vỏ sắt gang cho đầu nậu thu mua… Thế nhưng, nhìn cảnh chú voi hờ hững đi qua xe tăng, mình lại chả hiểu thế nào nữa, bởi ở từ Gio Linh trở ra, lấy đâu ra chỗ nuôi voi (lại còn ngà quý giá) như thế này?..  Thế nhưng, dù thế nào chăng nữa, thì có 1 sự thật không thể phủ nhận: Mọi cuộc chiến tranh, dù với mục đích nào chăng nữa thì không những chỉ “hao tiền, tốn của”, tận diệt “nhân tài,vật lực”, mà còn phải trả giá bằng rất nhiều mạng sống, xương máu và kéo quốc gia tham gia, lùi lại rất nhiều năm so với sự phát triển của lịch sử, nhân loại. Và khi chiến tranh đã kết thúc, những cỗ máy gây ra chết chóc, rút cục cũng trở thành đần hiền, thậm chí còn thành phế phẩm, để cho những người sống sót rủ lòng thương hại, nhìn như thể phế tích. Liệu như vậy, có nên lặp lại những sự mất mát, để lại rơi nước mắt, lại xót thương và đau đớn đến suốt cuộc đời?.. Mình thích góc máy cảu người chụp, đúng thời điểm người quản tượng đội mũ cối (biết đâu, trước cũng khoác áo lính chiến), cưỡi trên lưng voi, lững thững ngang qua, trong chiều mưa phùn cuối năm. Với chú voi, cái động tác thõng vòi đến… chán, giống như hất hàm bảo xác tăng dưới vệ đường: “Tăng ơi, voi bảo tăng này…”. Một tấm hình nói lên được biết bao điều, hết thảy đều có ý nghĩa…

Posted in HÌNH ẢNH, QUÂN SỰ-QP, TƯ LIỆU - TÀI LIỆU | Leave a Comment »

RA BỜ SÔNG HỒNG ĂN CÁ NƯỚNG

Posted by Mai Thanh Hải trên 29/11/2011

Dạo này mình rơi vào tình trạng “bạch định”, sờ túi quần lúc nào cũng chỉ thấy… ngón tay, nên buổi trưa thường là đi ăn ké anh em. Được cái mình thật thà, có tiền là biết ngay, không có tiền ngồi… buồn xo, cũng biết ngay, nên anh em thương, chả ai nói năng – trách móc gì. Hôm rồi, không chỉ Ngọc Trung từ Hội trường QH chạy xe máy về, mà cả vợ chồng Văn Thành – Thanh Lan lái Landcruised từ dưới Trần Duy Hưng, lên cơ quan đón mình đi ăn. Hi! Hi! Có nhẽ do bạch định, nên dạo này mình biết được khối món ngon tươi, mới lạ. Trưa nay, dĩ nhiên mình lại được anh em thương, đón đi ăn rồi. Giời lành lạnh thế này, chả ai ngu gì chui vào… phòng lạnh, đóng kín im ỉm (có nhu cầu… nghỉ, để mệt thêm đâu, mà vào?). Sành điệu như hàng hiệu, phải là ra bờ đê thoáng mát, se lạnh khí giời, ngồi sau cây rơm nếp, chiếu hoa trải trên rơm, chân đất đi nướng cá mới bắt ngoài đồng và chấm bằng muối ớt, rau thơm vặt – dầm ngay tại chỗ. Tất nhiên là uống rượu quê trong vắt, tự nấu và tự chế biến, éo liên quan đến men rượu bọn Tàu khựa…. Ôi giời! Thơm quá là thơm mùi cá. Nồng nàn quá là nồng nàn mùi rượu. Căng lồng ngực mùi rơm nếp mới. Cay xè hơi ớt cùng lá rau thơm… Mà lạ thế, Giời lại cứ se se – buồn buồn và sà mây xuống, như… thèm cá, thèm rượu tụi mình, mới chết chứ! Hu! Hu!..
Kể bằng 2 tấm hình này thôi, để còn nướng và chén tiếp nữa chứ. Ngày se lạnh, buồn buồn mà!. Lát kềnh luôn trên rơm, nhìn Giời nhìn mây mà ngủ luôn 1 giấc cho đẫy. Chiều dậy, lại… nướng và ăn tiếp. Mà không. Thời tiết, không gian này mà ngủ thì quá phí. Nghe nhạc Trịnh thì ý nghĩa hơn. Lại nhâm nhi vậy…

Posted in HÌNH ẢNH, LINH TINH LANG TANG, VĂN HÓA - XÃ HỘI | Leave a Comment »

BÀI TRỪ VĂN HÓA ĐỒI TRỤY

Posted by Mai Thanh Hải trên 28/11/2011

Hình này, do 1 bạn đọc gửi cho mình và được dẫn nguồn từ Corbis. Xem hình này, mình cứ lẩn mẩn mãi, từ chiều đến giờ. Mình phục các anh chị, chú bác ngày xưa quá cơ. Toàn những người dũng cảm và… hoành tráng. Mới ngày 29/5/1975 thôi nhé, mà đã kéo nhau đi hàng đoàn  cổ động (Ngày xưa gọi là đi “cổ động”, chứ không thể cứ thấy đông người giơ biểu ngữ thì gọi là… “biểu tình”. Ai nghĩ xiên xẹo, vớ vẩn đưa sang Lộc Hà cho nhiễm bệnh xã hội, AIDS chết giờ!. Hi! Hi!) để “bài trừ văn hóa đồi trụy phản động”. Nhìn cảnh các anh chị ngày xưa như vậy, mình tự hứa với lòng mình là sáng mai dậy sớm, kiểm tra xem phòng sách truyện của con gái mình, có gì phải bài trừ thì phải xử lý ngay. Bởi ít nhất mình thấy mấy cuốn Đô Rê Mon, hình như cũng kể chuyện  – vẽ tranh Xu Ka đang trong nhà tắm. Ối giời! Bé tý tuổi mà đã lên truyện tranh vậy, phải xử ngay. Xử ngay!… 

Posted in HÌNH ẢNH, TƯ LIỆU - TÀI LIỆU, VĂN HÓA - XÃ HỘI | Leave a Comment »

TRẬN ĐỊA PHÁO PHÒNG KHÔNG, NGOẠI Ô HẢI PHÒNG, 1972

Posted by Mai Thanh Hải trên 28/11/2011

Khẩu đội pháo phòng không này, đang làm nhiệm vụ trực chiến, bảo vệ Thành phố Cảng quê mình, vào những ngày đạn bom ác liệt 1972. Nhìn bức hình do một phóng viên nước ngoài ghi lại, trong những ngày khói lửa, thấy rưng rưng nước mắt, nhớ lại quê hương – những người thân mình một thời máu lửa, gian khổ. Đưa hình này lên, để lưu lại và nhớ mãi, không bao giờ quên được lịch sử kiêu hùng trên mảnh đất Hải Phòng…

Posted in HÌNH ẢNH, QUÂN SỰ-QP, TƯ LIỆU - TÀI LIỆU | Leave a Comment »

TƯƠNG CÀ RA GIỮ TRƯỜNG SA

Posted by Mai Thanh Hải trên 27/11/2011

Mai Thanh Hải Blog – Hồi đầu tiên đi Trường Sa, mình nghe mấy ông anh đi trước tư vấn, nên rất lo chuyện ăn uống và dành cả ngày để ra chợ Mỹ Ca (Cam Ranh) mua sắm, lỉnh kỉnh từng ly từng tý, như thể… sắp chết đói đến nơi.

Thế nhưng lên tàu của Vùng IV, mới biết là mọi sự chuẩn bị của mình, quá là thừa và rút cục chỉ… béo anh em ở cùng phòng (Tiểu đội) đợt ấy.

Rút kinh nghiệm lần sau, mình chỉ mua khoảng 1 yến ớt tươi (vẫn còn xanh), vài chục hộp mù tạt và… can rượu, để trong suốt hành trình qua các đảo, có quà (ớt tươi, mù tạt) cho bộ đội làm gia vị khi đánh bắt và thưởng thức cá… tăng gia hàng ngày.

Dĩ nhiên, tụi mình phải dấm dúi làm chén rượu, mỗi khi ăn món gỏi cá, câu được trên đường ra đảo, hoặc khi dừng lại ở các điểm nghỉ đêm, trước khi bắt đầu cuộc hành trình, tới điểm đóng quân nào đó.

Một chén rượu thôi, để gắn kết các thành viên trong Đoàn và cũng vơi bớt đi, cái nỗi nhớ gia đình, người thân, đất liền, mới nhen nhóm khi tàu hú còi rời bến và cháy hừng hực, qua mỗi ngày đêm trên biển…

Đi biển, ra đảo – Nói gì thì nói, chứ với bọn mình, yếu tố đầu tiên quan trọng và mọi lúc, phải được tuyên dương hàng đầu, là công tác hậu cần trên các tàu.

Mà chẳng phải riêng các đoàn công tác, tàu nào đi biển, cũng cực kỳ coi trọng công tác “ăn uống, sinh hoạt”, tức là phải nuôi sống ta hàng ngày.

Chả thế mà các cụ ta, ngay từ xưa đã nói “Có thực mới vực được đạo”. Mình cực kỳ khâm phục anh em hậu cần (các anh nuôi bất đắc dĩ) bởi họ, có khi làm các nhiệm vụ khác nhau, trên các tàu hoặc có khi làm nhiệm vụ trên bờ, khi có chuyến ra đảo, được điều động sang tàu làm hậu cần – phục vụ và ai cũng rất thành công, nấu nướng từ vụng về thành khéo thoăn thoắt…

Có những chuyến đi gặp thời tiết xấu, lính quan nhà ta say sóng, nằm lăn lông lốc, nôn ói tùm lum. Thế nhưng lanh em hậu cần trên tàu, vẫn lọ mọ chế biến – nấu ngày 3 bữa, đến giờ lại hét loa, thậm chí lần thành tàu, đến từng khoang, gọi mọi người dậy ăn uống, giữ sức “chiến đấu lâu dài”…

Để có 1 bữa ăn “cơm dẻo, canh nóng” trên đất liền, do cánh đàn ông nấu đã khó.

Chuẩn bị rau thịt, củ quả và chế biến – nấu nướng trên tàu còn khó hơn cả vạn lần.

Entry này, dành nguyên để kể lại chuyện bảo quản – nấu nướng của anh em nuôi quân. Đặc biệt là việc bảo quản thực phẩm, vận chuyển tươi sống, nguyên vẹn, tiếp tế cho bộ đội ngoài đảo – nhà giàn, trong điều kiện cuối năm, sóng to gió lớn như thế này. Gọi đầy đủ, phải  là: “Mang… tươi sống ra với Nhà giàn – Trường Sa”. Nhưng mình nói gọn, theo đúng phong cách báo chí: “Tương cà ra giữ Trường Sa”, như thế này cho gọn…

Hình ảnh mới được ghi lại, trên 1 Biên đội tàu chiến đấu của Vùng II, Hải quân làm nhiệm vụ tiếp tế, đưa đoàn công tác và tuần tiễu bảo vệ vùng biển Trường Sa, cùng một số nhà giàn DK1 nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hình đã được đăng tải trên Diễn đàn Phượt.

————————————————————————————————————
Nhường giường nằm cho su hào, cà rốt
Trên bờ, nói đến bầu bí là khối chú giật mình thon thót, nhưng trên tàu, bầu bí rất được nâng niu
Mướp đắng xanh mướt, được chọn lựa cẩn thận từ chợ Vũng Tàu
Bếp nấu được bố trí rất khoa học và mọi thứ, đều được chằng buộc cẩn thận
Để các anh nuôi, dễ bề tác nghiệp trong mọi điều kiện thời tiết
Vịt ngan ngỗng thì được nuôi ngoài boong, đi lại tung tăng và chẳng thằng nào dại dột, nhảy xuống biển
Ơ! Nhưng mà các bạn gà thì phải nhốt trong lồng kỹ lưỡng
Vịt bình thản rỉa lông, như thể boong tàu là… bờ ao
Lợn thì phải chắn, kẻo các chú chạy vào kho vũ khí, giường ngủ, vị trí công tác thì hơi bị mệt
Cận cảnh các chú vịt
Cà chua mang tàu, được chọn lựa cẩn thận, là loại còn xanh hoặc ương. Sọt này mang cho DK1/10 đấy nhá!
Trên cà xanh, dưới khoai tây và được để trong ngăn thông thoáng, rất cẩn thận
Không thể thiếu củ cải trắng để muối dưa và nhất là những củ gừng tươi
Phải có thêm cả đậu đũa cho anh em xào nữa chứ
Bữa ăn trưa trên tàu đây, có tý rượu cho… phấn khởi, bởi vẫn đang sóng yên biển lặng
Thay ngay bấc, cho các bếp dầu
Chằng buộc rất cẩn thận lọ cà pháo – Hồn quê hương. Lọ cà này được giữ gìn, quý hơn cả… lọ vàng đấy nhá!
Làm gà ngay cạnh… chuồng gà. Thông cảm nhé vì diện tích chật hẹp…

Posted in CHỦ QUYỀN - BIỂN ĐẢO, HÌNH ẢNH, TRƯỜNG SA-DK | Leave a Comment »

"TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP"…

Posted by Mai Thanh Hải trên 27/11/2011

Đinh Vũ Hoàng Nguyên – Ngày 27/11/2011, Công an Thành phố Hà Nội bắt được một số người ở hồ Hoàn Kiếm.

Sau khi điều tra nghiên cứu, lực lượng Công an đã phát hiện ra những người này đều tàng trữ trái phép tai, mắt và mồm…

Đây là lời cảnh tỉnh cho những người nào ở Việt Nam, hiện còn tàng trữ những bộ phận này một cách trái phép.
———————————–
* Hình ảnh sử dụng chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết của tác giả ĐVHN.

Posted in LINH TINH LANG TANG | Leave a Comment »

2 ANH HỒNG TUYỂN – HỒNG VINH…

Posted by Mai Thanh Hải trên 27/11/2011

Nguyễn Quang Vinh – Theo lịch trình tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kết nạp một số tác giả, có triển vọng sau đây, vào Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ và có thể chiếu cố kết nạp thêm tác giả… Trần Nhân Tông.

Lý do kết nạp: Có nhiều tác phẩm “đọc sướng chết được”, của nhiều thế hệ Việt

Người đề xuất kết nạp: Cu Vinh

Căn cứ đề xuất: Ban Lãnh đạo  Hội Nhà văn Việt Nam, đã từng ra quyết định công nhận là Hội viên Hội Nhà văn, cho các nhà văn đã tạ thế như Lan Khai, Vũ Bằng, Trương Tửu… (????). Dù  Lan Khai tạ thế từ 1945, trước khi lập Hội 17 năm. Còn Vũ Bằng – Trương Tửu lúc sinh thời, nghe đâu không có ý định vào Hội.

Không muốn vào mà được a?. Vào!..

Vì vậy, theo thông lệ này, tất cả những tác giả có tác phẩm thơ văn, dù tạ thế trước khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập, đều được tìm lại để kết nạp hết, không cần họ làm đơn ( Lý do không cần làm đơn: Đã tạ thế).

Ngoài Nguyễn Minh Hồng vào Hội Nhà văn như đã biết, rất có khả năng Hội ta sẽ có thêm đại gia Đào Hồng Tuyển, vì nghe nói vừa được Hội Nhà văn tặng Kỷ niệm chương “Vì có công lao với sự nghiệp văn học nghệ thuật” (công lao ở đây, hiểu theo nghĩa là có tài trợ gì đó cho hoạt động Hội).

Nhanh lên anh Tuyển!. Làm thơ ngay, chỉ cần làm thơ như anh gì nhỉ? À!. Anh Hồng Vinh!. Chỉ cần mức thơ ấy là vào ngon lành, anh Tuyển ạ!.
Anh ra ngay cho em tập thơ. Anh Hữu Thỉnh sẽ viết lời tựa, đại loại kiểu gì cũng có câu như: “Anh Tuyển ẩn mình trong sóng, trong sương khói của Hạ Long kỳ vĩ, để rồi cô đơn với nỗi cô đơn trần thế, đau với nỗi đau trần thế, thơ anh vọng vang ngôn từ trần thế, chối bỏ phấn son của ngôn từ hoa mỹ, thơ anh đi thẳng vào ta, đi thẳng vào tim ta, đi thẳng vào nhân tình thế thái…

Ăn chơi sợ gì mưa rơi.

Các anh nhỉ?..
———————————————————————-
* Tít bài đã được MTH đặt lại, không theo nguyên bản của Nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
* Hình ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

Posted in LINH TINH LANG TANG, VĂN HÓA - XÃ HỘI | Leave a Comment »